Hà Nội - Hà Tây
Quê lụa Hà Tây xưa cửa ngõ thủ đô, với lịch sử ngàn năm cùng nhiều lễ hội và làng nghề phong phú. Phong cảnh nổi tiếng nhất là chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, Ba Vì, làng cổ Đường Lâm...Trung bình hàng năm Hà Tây có khoảng 20 lễ hội mang đậm văn hóa nông nghiệp Bắc bộ.
Chùa Thầy
Chùa Thầy được xây dựng theo kiến trúc tiền Phật hậu Thánh. Đây từng là nơi tu hành của tiền sư Đạo Hạnh. Chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý.
Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng ba âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây để dự lễ cúng Phật và trai đàn.
Chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương nằm trên đồi Câu Lâu ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Với 72 pho tượng bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng và 18 pho tượng La Hán là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, ngôi chùa không chỉ là chứng tích lịch sử mà còn là một di tích văn hóa nghệ thuật tôn giáo quý giá của đất nước. Hội chùa Tây phương bắt đầu từ mồng 6 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch.
Chùa Trăm Gian
Chùa Trăm Gian, còn gọi là chùa Núi, chùa Tiên Lữ, thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Chùa Trăm gian là một quần thể kiến trúc độc đáo gồm 104 gian. Hiện chùa còn lưu giữ bộ sưu tập tượng gồm 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung đặc biệt quý hiếm. Hàng năm, lễ hội chùa Trăm Gian vào ngày mồng 4 tháng giêng, đó là ngày hóa của Đức bồ Tát khai sơn - Nguyễn Bình An.